Bánh chưng gù là một món bánh truyền thống của người dân tộc ở Hà Giang. So với bánh chưng hình vuông, bánh chưng gù Hà Giang có kích thước nhỏ gọn và ăn ít ngán hơn. Nếu bạn chưa biết nên mua bánh chưng gù ở đâu khi du lịch Hà Giang thì đừng bỏ qua những địa chỉ dưới đây nhé!
Địa chỉ mua bánh chưng gù Hà Giang
1. Hà Giang Foods
Địa chỉ: 443 đường Lý Thường Kiệt, Ngọc Hà, tp. Hà Giang
Là một trong những địa chỉ bán bánh chưng gù nổi tiếng tại thành phố Hà Giang. Tại đây, bạn có thể dễ dàng đặt mua số lượng lớn hoặc mua lẻ bởi địa chỉ này cũng là cơ sở sản xuất bánh chính của người dân tộc Hà Giang.
Tất cả nguyên liệu làm bánh đều được kiểm tra và chọn lọc kĩ lưỡng, đảm bảo được hương vị thơm ngon và đặc trưng của bánh chưng gù Hà Giang. Khi ăn, bạn có thể cảm nhận được mùi hương và bùi của thảo quả, bánh gói rất chặt tay nên ăn không hề ngán tí nào cả.
Ở bên ngoài, bánh trưng gù cũng được gói bằng lá dong xanh nhưng lại gọi theo hình dạng tròn, dài giống như bánh tét thay vì gói theo hình vuông. Nguyên liệu làm bánh chưng gù là từ gạo nếp truyền thống với hạt to tròn, vừa thơm vừa dẻo cùng thịt ba chỉ, đậu xanh nghiền mịn và hạt tiêu đen, muối. Bánh chưng gù khi hấp lên sẽ được nhuộm xanh phần gạo nếp bên ngoài nhờ màu xanh của lá dong, làm cho bánh có hương vị quyến rũ và màu sắc bắt mắt hơn.
TIPS DU LỊCH: theo nhiều kinh nghiệm du lịch phượt Hà Giang, giá bánh chưng gù tại đây cũng khá rẻ, khoảng 20k/ bánh, vì vậy bạn có thể dễ dàng mua làm quà cho bạn bè và người thân. Nhưng tốt nhất bạn nên mua bánh chưng vào ngày cuối cùng ở tại Hà Giang vì loại bánh này chỉ có thể bảo quản được 2 – 3 ngày.
2. Bánh chưng gù Nguyễn Thị Dung
Địa chỉ: thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, TP Hà Giang
Đây là địa chỉ bán bánh chưng gù lâu đời và nổi tiếng nhất tại thôn Bản Tùy. Tất cả các công đoạn làm bánh chưng đều được chính tay chị Nguyễn Thị Dung kiểm tra kĩ lưỡng từ chọn lá dong đến gia vị ướp thịt heo.
Hương vị bánh chưng gù ở đây rất đặc biệt, giống với bánh chưng gù màu đen của người Tày nhưng vẫn giữ được màu xanh đẹp mắt. Phần nhân đậu rất thơm ngon bùi kết hợp cùng vị thịt heo mặn béo, thực sự đây là một món bánh tinh tế và đậm chất Tây Bắc.
So với bánh chưng thông thường, nguyên liệu và cách làm của bánh chưng gù không có gì khác biệt. Điều duy nhất tạp nên sự khác biệt chính là chiếc bánh chưng gù có kích thước nhỏ gấp 5 – 6 lần so với bánh chưng vuông. Do vậy, khi ăn loại bánh này, bạn không những không cảm thấy ngán mà còn có thể ăn đến 2 – 3 cái lận đấy.
Ngoài hai địa chỉ trên, bạn có thể mua bánh chưng gù tại các chợ phiên ở các huyện tại Hà Giang. Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ lịch họp chợ bởi mỗi chợ phiên thường chỉ diễn ra mỗi tuần 1 lần hoặc có khi 1 tháng 1 lần. Dưới đây là một số chợ phiên mà bạn có thể tìm mua bánh chưng gù và các món đặc sản nổi tiếng khác:
3. Chợ phiên Hoàng Su Phì
Địa chỉ: Lâm Đồng, TT. Vinh Quang, Hoàng Su Phì, Hà Giang
Chợ phiên Hoàng Su Phi được tổ chức mỗi tuần một lần vào sáng Chủ nhật, diễn ra dọc theo con phố chính, dài vài km, ở thị trấn Vinh Quang thuộc huyện Hoàng Su Phi, tỉnh Hà Giang.
Tại phiên chợ này, bạn có thể dễ dàng mua được bánh chưng gù cũng như những món đặc sản khác của người dân tộc như mật ong, trà, lạp xưởng, v.v. với giá cả rất rẻ. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để bạn gặp gỡ và trò chuyện với người dân tộc.
4. Chợ phố cổ Đồng Văn
Địa chỉ: Phố cổ Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, Hà Giang
Thêm một địa điểm cần lưu lại trong danh sách các địa chỉ mua bánh chưng gù Hà Giang. Nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn, khu phố cổ này có một nét đẹp khác biệt hòa quyện giữa kiến trúc dân tộc và kiến trúc người Hoa, Pháp.
Đến phiên chợ này, bạn không chỉ được mua sắm những sản phẩm đặc sản tiêu biểu của người dân tộc, chẳng hạn như bánh chưng gù, vải dệt, thắng cố, v.v. mà còn được nghe những câu hò, thấy những điệu múa tuyệt đẹp.
Nếu chưa biết thắng cố là gì, thì bạn nên đến khu phố cổ Đồng Văn này để thưởng thức món ăn đặc sản Hà Giang này. Đây là một món súp/ canh được làm từ thịt ngựa và tất cả bộ phận của con ngựa, có hương vị độc nhất và gây nghiện đấy!
5. Chợ phiên Mèo Vạc Hà Giang
Địa chỉ: TT. Mèo Vạc, Mèo Vạc, Hà Giang
Chợ Mèo Vạc Hà Giang là chợ phiên lớn nhất tỉnh Hà Giang, thường được tổ chức vào Chủ nhật hàng tuần tại. Khu chợ này không chỉ là nơi người dân sống ở vùng cao nguyên buôn bán gia súc, đây còn là nơi tụ tập của người dân tộc H’Mông.
Bánh chưng gù tại đây có phần vỏ ngoài bằng dẻo thơm và nhân đỗ xanh bùi cùng vị thịt heo mỡ béo ngậy nên ăn rất dễ gây nghiện. Đặc biệt, vỏ bánh chưng ở đây không quá dày nên sẽ bạn sẽ không thấy ngán.
Ngoài bánh chưng gù, chợ phiên này còn nổi tiếng với những sản phẩm nông sản và đồ nội thất do người dân tộc làm ra. Đặc biệt, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy những bộ trang phục truyền thống của người H’Mông địa phương tại chợ, nam thường mặc váy đen dài trong khi nữ sẽ mặc trang phục đẹp nhất, sặc sỡ nhất.
Cách làm bánh chưng gù
Công thức gói bánh chưng gù cũng không khác nhiều so với bánh chưng vuông truyền thống. Tuy nhiên, để làm ra những chiếc bánh chưng gù tròn trịa đáng yêu như vầy, công đoạn làm bánh cần phải khéo léo và cẩn thận.
Để có thể đạt được độ chắc, thơm và ngon, các nguyên liệu làm bánh được lựa chọn cẩn thận từ giai đoạn chọn lá. Lá dong được chọn phải là loại lá không quá non và cũng chưa bị úa già. Gạo nếp dùng để làm bánh phải là gạo nếp Bắc Mê nổi tiếng ở Hà Giang và thịt ba chỉ dùng để làm nhân bánh phải là thịt lợn đen, tươi và ngon, thái lát rồi ướp gia vị.
Công đoạn quan trọng nhất trong cách làm bánh chưng gù chính là công đoạn gói bánh, người ta sẽ cố gắng gói theo hình dạng tròn, dài, mũm mĩm. Không giống như những chiếc bánh chưng hình vuông, những chiếc bánh chưng của người Dao đỏ có phần thân nhô ra như một đỉnh núi, trông giống như hình ảnh người phụ nữ dân tộc phải gánh địu khiến lưng bị gù.
Sau khi gói xong, những chiếc bánh chưng sẽ được sắp xếp ngăn nắp trong một nồi lớn chứa đầy nước và đun sôi trong nhiều giờ cho đến khi bánh chín từ trong ra ngoài. Sau khi nguội và bỏ vỏ, vỏ bánh của bánh chưng chuyển sang màu xanh vì gạo đã hấp thụ màu của lá dong.
Tuy nhiên, món bánh chưng gù Hà Giang này cũng có một số nhược điểm chính là khó bảo quản. Vì được làm từ nguyên liệu tươi ngon, không chất bảo quản nên bánh thường chỉ thơm ngon nếu bạn ăn trong 2 – 3 ngày sau khi nấu chín. Ngoài ra, bạn không nên hấp hoặc luộc lại vì sẽ làm gạo nếp của bánh bị sượng và khó ăn.
Hy vọng với những gợi ý địa chỉ trên sẽ giúp bạn tìm mua được món bánh đặc trưng nổi tiếng này. Ngoài việc khám phá những con đường gồ ghề và cảnh núi non, đừng bỏ lỡ những trải nghiệm văn hóa và ẩm thực độc đáo khi du lịch đến Hà Giang, bạn nhé!
Xem thêm >> 33+ đặc sản Hà Giang làm quà ngon và nổi tiếng nhất